


Đảng bộ trường
ĐẢNG BỘ TRƯỜNG THPT HÀM NGHI
50 NĂM XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN
Tháng 8 năm 1972, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đang diễn ra ác liệt, nhằm nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân lực, đào tạo nhân tài cho huyện Hương Khê, Trường THPT Hàm Nghi được thành lập[1]. Khi mới thành lập, do miền Bắc đang có chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, trường phải đóng tại làng Ngọc Mỹ, xã Hòa Hải. Quy mô nhà trường ban đầu chỉ có 17 cán bộ, giáo viên, nhân viên được biên chế 3 tổ; 303 học sinh được biên chế 6 lớp; 1 tổ chức Đoàn có trên 310 đoàn viên, thanh niên được biên chế 7 chi đoàn, một tổ chức Công đoàn với 17 đoàn viên. Để lãnh đạo, chỉ đạo nhà trường hoạt động, Huyện ủy Hương Khê quyết định thành lập Chi bộ Trường Phổ thông cấp 3 Vũ Quang, lúc đó Chi bộ chỉ có 4 đảng viên, chỉ định thầy Lưu Văn Mai làm Bí thư.
Trong hoàn cảnh chiến tranh ác liệt diễn ra, Chi bộ tập trung nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, đảng viên, giáo viên, nhân viên và học sinh, nhất là quán triệt cho đảng viên vai trò tiên phong, gương mẫu thực hiện các quy định về phòng tránh bom đạn do máy bay Mỹ đánh phá, đảm bảo tốt nhất sự an toàn cho nhà trường và nhân dân trong khu vực trường đóng; củng cố niềm tin vào sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước dưới sự lãnh đạo của Đảng; giáo dục đảng viên vượt qua thách thức, gian khổ cùng nhân dân cả nước kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước bằng việc làm thiết thực đó là thực hiện tốt nhiệm vụ dạy học.
Năm 1973, Hiệp định Pari được ký kết, miền Bắc hết chiến tranh phá hoại. Nhận thấy đây là cơ hội để đưa nhà trường phát triển về quy mô và chất lượng, Chi ủy, Ban Giám hiệu đã lãnh đạo tập thể sư phạm chuyển trường về xã Phương Điền.
Thời kì từ năm 1973 đến năm 1994, trường đóng tại xã Phương Điền gặp nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên và học sinh nhưng Chi ủy cùng Ban Giám hiệu lãnh đạo, chỉ đạo tập thể sư phạm vượt qua mọi thách thức, đưa quy mô và chất lượng nhà trường ngày càng phát triển. Thời điểm nhà trường có quy mô lớn nhất khi đóng tại xã Phương Điền là 21 lớp, gần 1.000 học sinh, 56 cán bộ, giáo viên, nhân viên; hằng năm có trên 80% học sinh đậu tốt nghiệp, nhiều học sinh đậu Đại học, Cao đẳng. Đây là thành quả lớn nhất của sự lãnh đạo Chi bộ đối với sự phát triển của nhà trường.
Cùng với sự phát triển của nhà trường, quy mô của Chi bộ ngày càng phát triển. Tuy nhiên, do hằng năm, nhiều đảng viên xin chuyển trường, chuyển ngành nên số đảng viên của Chi bộ thiếu ổn định.
Những năm đầu thập kỉ 90 của thế kỉ trước, tình hình thế giới và trong nước tác động sâu sắc đến tình hình của nhà trường cũng như ngành Giáo dục. Năm 1992, quy mô của nhà trường chỉ còn 3 lớp, Ty Giáo dục chỉ đạo sáp nhập trường cấp 2 Phương Điền vào Trường Phổ thông cấp 3 Vũ Quang. Trước tình hình đó, Chi bộ vừa lãnh đạo tập thể sư phạm thực hiện tốt nhiệm vụ dạy học, vừa lãnh đạo chuyển trường về địa điểm mới, khơi thông thế bế tắc về vị trí địa lí.
Năm 1994, dưới sự lãnh đạo của BCH Chi ủy, Ban Giám hiệu, Trường được chuyển về Thôn 6, Phúc Đồng, tạo hướng đột phá. Với vị trí địa lí thuận tiện về giao thông, dưới sự lãnh đạo của BCH Chi ủy, Ban Giám hiệu, tập thể sư phạm tiếp tục thi đua dạy tốt, học tốt, đưa quy mô của nhà trường phát triển có thời điểm lên đến 34 lớp, gần 1.800 học sinh. Với số lượng học sinh trên đây vượt xa so với quy mô thời kỳ Trường đóng trên xã Phương Điền. Về chất lượng, sau nhiều năm lao dốc, những năm cuối thập kỉ 90 của thế kỉ trước, chất lượng dạy học được phục hồi, có nhiều khởi sắc, số lượng học sinh đậu Đại học, Cao đẳng, học sinh giỏi tỉnh ngày càng nhiều.
Ngoài việc lãnh đạo, chỉ đạo phát triển chuyên môn, Chi ủy, Ban Giám hiệu có kế hoạch phát hiện, bồi dưỡng thế hệ trẻ làm bổ sung vào Cấp ủy, Ban Giám hiệu. Các thầy cô giáo: Đồng Sỹ Nguyên, Đoàn Minh Điền, Trương Chương, Bùi Thị Hồng Nga, Trần Trọng Thanh, Nguyễn Đình Chung đều được Chi ủy, Ban Giám hiệu bồi dưỡng ở giai đoạn này.
Về quy mô, chặng đường từ 1994 đến 2001, tổng số đảng viên của Chi bộ hơn 20 người.
Trước sự phát triển về quy mô và chất lượng của nhà trường, nhận thấy địa điểm tại Thôn 6 không đáp ứng yêu cầu phát triển của nhà trường, Cấp ủy, Ban Giám hiệu đã tham mưu Huyện ủy, UBND huyện Hương Khê, Sở Giáo dục và Đào tạo chuyển trường về địa điểm Thôn 12 trên khuôn viên rộng gần 4 ha vào năm 2001 cùng với hệ thống cơ sở vật chất được xây theo hướng kiên cố hóa. Có thể nói, sự lãnh đạo của Cấp ủy, Ban Giám hiệu chuyển trường về Thôn 12 đã tạo được sự đột phá mạnh mẽ để đưa nhà trường phát triển toàn diện, bền vững. Dưới sự lãnh đạo của Cấp ủy, Ban Giám hiệu, quy mô của nhà trường đã phát triển lên đến 36 lớp, 1.816 học sinh, gần 80 cán bộ, giáo viên, nhân viên; 51 đảng viên, điều kiện chuyển chi bộ lên Đảng bộ đã chín muồi.
Trước sự phát triển của nhà trường, đòi hỏi cần phải tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, ngày 26 tháng 6 năm 2015, Chi bộ gửi Tờ trình số 103-TTr/CB đề nghị Huyện ủy chuyển Chi bộ thành Đảng bộ. Ngày 01 tháng 9 năm 2015, Huyện ủy Hương Khê ban hành Quyết định số 17-QĐ/HU về việc chuyển đổi chi bộ thành đảng bộ và chỉ định Ban Chấp hành Đảng bộ[2]. Theo đó, Chi bộ Trường THPT Hàm Nghi được chuyển thành Đảng bộ Trường THPT Hàm Nghi có các chi bộ trực thuộc Đảng ủy và chỉ định Ban Chấp hành Đảng bộ gồm các đồng chí:
Đoàn Minh Điền - Bí thư.
Trần Trọng Thanh - Phó Bí thư - Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra.
Bùi Thị Hồng Nga - Đảng ủy viên.
Lê Thiết Hùng - Đảng ủy viên.
Phạm Văn Công - Đảng ủy viên.
Sự kiện Chi bộ Trường THPT Hàm Nghi được chuyển thành Đảng bộ đánh dấu sự trưởng thành vượt bậc của Đảng bộ nhà trường sau 43 năm thành lập, đồng thời đánh dấu một mốc son, một sự kiện trọng đại của Đảng bộ Trường THPT Hàm Nghi.
Dưới sự lãnh đạo của Chi ủy/Đảng ủy, Ban Giám hiệu từ năm 2001-2022, tập thể sư phạm Trường THPT Hàm Nghi đã đạt được nhiều kết quả to lớn: chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên được nâng cao; cơ sở vật chất được tăng cường mạnh mẽ[3], chất lượng dạy học không ngừng được tăng lên qua việc số học sinh đậu đại học, số học sinh giỏi tỉnh, tỉ lệ tốt nghiệp lớp 12 ngày càng tăng lên mạnh mẽ. Với sự phát triển toàn diện, bền vững, năm 2013, năm 2018, Trường THPT Hàm Nghi được công nhận là trường đạt chuẩn quốc gia.
*
* *
Trong suốt 50 năm xây dựng và phát triển dưới sự chỉ đạo của Huyện ủy, của Sở GDĐT Hà Tĩnh, được sự quan tâm giúp đỡ của Đảng ủy, chính quyền địa phương và Ban đại diện cha mẹ học sinh. Đảng bộ đã lãnh đạo chính quyền và các đoàn thể trong trường phấn đấu vươn lên về mọi mặt, tạo được khối đoàn kết, năng động, sáng tạo, tâm huyết, yêu nghề. Từ mái trường này biết bao nhiêu thế hệ học sinh trưởng thành, trong số đó nhiều học sinh đã trở thành cán bộ lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, các nhà khoa học, văn hoá, giáo dục, công an, quân đội, bác sỹ, các doanh nhân thành đạt...
Suốt chặng đường hoạt động, Đảng bộ luôn quan tâm công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống trong cán bộ, giáo viên, nhân viên, đây là nhiệm vụ quan trọng được Đảng bộ xác định là việc làm thường xuyên; luôn quan tâm, chăm lo xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh. Chỉ đạo chính quyền xây dựng đội ngũ cán bộ, giáo viên có bản lĩnh chính trị, giỏi về chuyên môn, tâm huyết, yêu nghề, thống nhất ý chí hành động. Chỉ đạo, phân công đảng viên có phẩm chất chính trị tốt, có năng lực lãnh đạo, có trình độ chuyên môn đảm nhận các vị trí then chốt của nhà trường như Tổ trưởng, Chủ tịch Công đoàn, Bí thư Đoàn trường...Chỉ đạo sắp xếp đội ngũ giáo viên phát huy hết năng lực, sở trường của mình nâng cao hiệu quả công tác. Vì vậy, chất lượng dạy và học ngày càng được nâng cao. Kết quả học tập và rèn luyện và tỉ lệ học sinh đậu Đại học, Cao đẳng hằng năm có sự tiến bộ rõ nét, đã phản ánh sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng bộ trong công tác chuyên môn. Đảng bộ đã từng bước trưởng thành, vững bước đi lên, đã làm tròn sứ mệnh chính trị cao cả mà Đảng và Nhân dân giao phó, đưa nhà trường ngày càng phát triển đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ giáo dục trong từng thời kỳ, từng giai đoạn, từng bước, khơi dậy và phát huy tốt truyền thống quê hương cách mạng và truyền thống hiếu học.
Đảng uỷ đã phát huy vai trò lãnh đạo thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị và công tác xây dựng Đảng; thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ trong việc xây dựng và thực hiện kế hoạch của Nhà trường. Chỉ đạo chính quyền thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, thường xuyên, cụ thể, sát tình hình trường, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong từng giai đoạn. Nhìn chung, công tác chính trị tư tưởng, tổ chức, cán bộ, kiểm tra, giám sát, dân vận và lãnh đạo tổ chức đoàn thể đã có nhiều chuyển biến tích cực, ngày càng hiệu quả. Cán bộ, đảng viên, người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị đã phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu.
Ghi nhận những thành tích mà tập thể cán bộ, giáo viên, học sinh nhà trường đạt được hằng năm. Đảng bộ 3 lần được Tỉnh ủy tỉnh tặng Bằng khen; Nhà trường 05 lần được Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng Bằng khen; 05 lần được Sở Giáo dục và Đào tạo tặng Giấy khen. 14 năm liên tục (từ năm học 2008-2009 đến năm học 2021 -2022) được Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tặng danh hiệu Tập thể lao động tiên tiến; một năm được Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh tặng danh hiệu Tập thể lao động xuất sắc. Những thành tích đó sẽ tạo nên một động lực mới để Nhà trường tiếp tục phát triển, vững bước đi lên, viết tiếp những trang sử vẻ vang trong sự nghiệp GDĐT nhằm nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài cho quê hương, đất nước.
Nhìn lại chặng đường 50 năm qua, cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh Trường THPT Hàm Nghi có quyền tự hào những thành quả đã đạt được. Chúng ta hết sức vui mừng với những thành công nhất định. Tuy vậy, trước yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đòi hỏi cán bộ, giáo viên, nhân viên trong nhà trường mà trước hết là đảng viên trong Đảng bộ phải thật sự gương mẫu về phẩm chất đạo đức, tích cực “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; năng động, sáng tạo trong công tác, gần gũi, gắn bó mật thiết với quần chúng; rèn luyện phong cách làm việc nhanh nhẹn, khoa học; không ngừng học tập nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn nghiệp vụ xứng đáng với chức năng, vai trò, nhiệm vụ được Đảng và Nhân dân giao phó.
LÊ THIẾT HÙNG
Phó Bí thư Đảng bộ - Phó Hiệu trưởng
[1]. Khi mới thành lập, trường mang tên là trường Cấp 3 Vũ Quang. Năm 2003, trường được chính thức mang tên trường THPT Hàm Nghi.
[2]. Quyết định số 17-QĐ/HU ngày 01 tháng 9 năm 2015 của Huyện ủy Hương Khê về việc chuyển đổi chi bộ thành Đảng bộ và chỉ định Ban Chấp hành Đảng bộ.
[3]. Tính từ năm 2001 đến năm 2022 có 1 cán bộ Cao cấp Lý luận Chính trị, 01 tiến sĩ; 23 thạc sĩ; 3 nhân viên và 1 giáo viên tốt nghiệp Đại học; 2 giáo viên tốt nghiệp đại học (văn bằng 2); 5 cán bộ, giáo viên Trung cấp lý luận Chính trị; 6 cán bộ tốt nghiệp lớp Bồi dưỡng cán bộ quản lý; 5 cán bộ được bồi dưỡng kiến thức quốc phòng đối tượng 3; 11 cán bộ, giáo viên được thăng hạng chức danh nghề nghiệp từ hạng III lên hạng II; 3 giáo viên giỏi cấp tỉnh; hệ thống CSVC được tăng cường trị giá hàng chục tỷ đồng.
- Chia sẻ:
-
-
- |
-
In bài viết

-
Ngày ban hành: (02/11/2023) - Ngày hiệu lực: (31/08/2023)
-
Ngày ban hành: (12/09/2023) - Ngày hiệu lực: (11/09/2023)
-
Ngày ban hành: (20/08/2021)
-
Ngày ban hành: (19/10/2020)
-
Ngày ban hành: (08/09/2020)
-
Ngày ban hành: (26/08/2020)
-
Ngày ban hành: (24/08/2020) - Ngày hiệu lực: (24/08/2020)
-
Ngày ban hành: (13/08/2020)
-
Ngày ban hành: (02/02/2020)
-
Ngày ban hành: (16/01/2020)
-
Ngày ban hành: (17/12/2019)
-
Ngày ban hành: (21/11/2019)
Chương trình nghệ thuật 50 năm trường THPT Hàm Nghi Hương Khê
Chương trình nghệ thuật 50 năm trường THPT ...