A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Vụ Quang ngày ấy, bây giờ . . .

Tôi sinh ra và lớn lên ở một vùng quê nghèo thuộc xã Hương Minh, huyện Vụ Quang, tỉnh Hà Tĩnh. Từ nhỏ, tôi đã rất thích học và say mê đọc sách. Tháng 9 năm 1976, trường cấp 3 Vụ Quang (nay là trường Hàm Nghi) trở thành mái trường thân yêu của tôi. Ba năm học dưới mái trường để lại trong tôi bao kỷ niệm không bao giờ mờ phai trong ký ức. Mái trường này đã chắp cánh cho tôi và bao bạn bè trưởng thành như ngày hôm nay.
 Khi tôi vào học, trường đóng trên một quả đồi đã được san phẳng gần ga Thanh Luyện. Nhà cách trường gần 20 km nên tôi phải ở trọ. Khóa học của tôi cả xã Hương Minh chỉ có 4 học sinh, trong đó mình tôi là nữ. Cứ học xong trưa thứ bảy là tôi lại cuốc bộ về nhà với cái bụng lép kẹp. Chiều chủ nhật lại gồng gánh nào gạo, khoai, sắn, cà, nhút đủ để sống trong một tuần. Ba năm trời như vậy tôi đã thuộc làu từng lá cây ngọn cỏ, từng khúc ngoặt của con đường ấy. Sang năm lớp 9, thật may mắn xã tôi có thêm một bạn gái vào trường học. Tôi và Ái Nga nhanh chóng trở thành đôi bạn thân. Ái Nga ở trọ cùng Hồng Nga và chúng tôi trở thành bộ ba thân thiết từ đó cho đến tận bây giờ. Hồng Nga giờ là phó Hiệu trưởng của mái trường ngày xưa chúng tôi đã từng học. Còn tôi trở thành người xa quê, xa trường nhưng trong lòng luôn hướng về nơi ấy với bao kỷ niệm thân thương.

Thời chúng tôi học trường chỉ có 12 lớp, mỗi khối có 4 lớp. Lúc đầu tôi học ở lớp 8D do thầy Trần Văn Sỹ dạy toán làm chủ niệm. Thầy nhìn chữ viết của tôi và cho phép tôi được miễn lao động để làm sổ sách của lớp. Sau đó thầy chuyển công tác đi đâu tôi cũng không rõ. Thầy Đặng Công Huyên dạy văn chữ rất đẹp, trình bày cẩn thận, giảng say sưa những chuyện thần thoại Hy Lạp… 
 
Sang năm lớp 9 tôi được chuyển sang học lớp A là lớp chọn từ những học sinh khá nhất của các lớp. ChÝnh vì vậy mà lớp A tập hợp các bạn ở khắp các miền quê. Hương Bình có Đăng Lâm, Đăng Bình, Quốc Thảo, Tuấn Hồng… Hà Linh có Quốc Chương, Quốc Vận, Quốc Thanh, Thu Hường, Đăng Hội, Quốc Tạo, Thu Hà, Quang Vận, Ngô Hiếu, Đăng Nhàn… Hòa Hải có Hồng Thịnh, Đăng Hảo, Trần Hòa, Lê Hòa, Lưu Hải, Đăng An, Tuấn Ninh, Lưu Hóa… Hương Nam có Đức Chuyên, Đức Tuấn, Phương Mỹ có Hảo, Liễu, Phúc Đồng có Song Hương, Thanh Hương…Nhà trường chọn lọc dần, đến năm cuối cấp lớp 10A chỉ còn 33 học sinh, chủ yếu là nam, có 9 bạn nữ. Giờ đây các bạn đã trưởng thành, mỗi người một nơi, nhưng chẳng ai có thể quên được kỷ niệm dưới mái trường thân yêu ấy.

Ba năm học ở trường, tôi chẳng thể nào quên kỷ niệm những lần đi thi học sinh giỏi tỉnh. Hàng năm, đoàn dự thi học sinh giỏi cấp tỉnh của trường có 9 thành viên, mỗi khối chọn 3 học sinh dự thi 3 môn Toán, Lý, Văn. Khối 8 chúng tôi có Đinh Tuấn Hồng thi môn toán, Nguyễn Quốc Thanh thi môn lý, tôi thi môn văn. Cả đoàn phóng xe đạp do thầy Cường dạy lý dẫn đầu từ Thanh Luyện về trường cấp 3 Phan Đình Phùng (thị xã Hà Tĩnh) dự thi. Trong đoàn chỉ có tôi là nữ lại không biết đi xe đạp nên được ưu tiên ngồi sau xe thầy Cường. Đường 15 lúc bấy giờ lại nhiều ổ gà nên thầy Cường xuống dốc vấp đá ngã lăn chiêng cả hai thầy trò. Đã lâu rồi tôi không được gặp thầy. Hồi đó Tuấn Hồng đã bé lại gầy nhom nhưng vẻ mặt, ánh mắt thì toát lên một vẻ thông minh, sắc sảo. Vậy mà giờ đã là giám đốc chi nhánh của Ngân hàng đầu tư trung ương, Thanh đã là bác sỹ. Hơn 30 năm rồi mà tôi cứ ngỡ như vừa mấy năm.
     
Năm lớp 9, theo thường lệ, đoàn thi học sinh giỏi của trường lại rồng rắn đi xe đạp dưới sự dẫn dắt của thầy Trần Văn Hòa, chủ nhiệm lớp chúng tôi. Tôi vẫn thi văn, Thanh thi lý, Lê Hồng Thịnh thi toán. Giờ Thịnh đang là giáo viên dạy ở chính quê mình. Lớp 10, thầy Phương dạy lý dẫn đoàn học sinh giỏi của trường về trường cấp 3 Minh Khai (Đức Thọ) để dự thi. Tôi vẫn dự thi môn văn, Nguyễn Quốc Chương thi toán, Ngô Đăng Hội thi lý. Phương tiện "vi hành" vẫn là xe đạp.  Lúc này chúng tôi đã trở thành đàn anh đàn chị trong đoàn. Chiều tối, chúng tôi đến địa điểm dự thi, xem số báo danh và về nhà dân nghỉ trọ. Tối hôm đó ngồi trên bờ đê lộng gió, chúng tôi ngắm nhìn làng mạc, dòng sông tràn đầy ánh trăng, lòng thanh thản như đã lãng quên cuộc đọ sức ngày mai. Sáng hôm sau thi môn văn đầu tiên. Thầy Phương về quê (quê thầy ở gần trường) nên cả lũ sáng đó phải nhịn đói vì nơi ở trọ không có quán bán ăn sáng. Tôi ngồi trong phòng thi mà hoa cả mắt vì đói. May mà đề thi là Tổ quốc trong thơ Tố Hữu nên với tôi không có gì là quá khó khăn. Sau 3 giờ làm bài, tôi ra khỏi phòng thi mà tưởng như kiệt hết sức lực. Về trường, tôi nói với thầy Cự nếu bài không tốt là do bụng đói nên nghĩ không ra chữ mà thầy cứ tưởng là nói đùa. Dờ Hội đã là kỹ sư xây dựng ở tận Sài Gòn, Chương vừa là bác sỹ, vừa là chuyên gia kinh tế của Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội.

Những năm học ở trường, đất nước tuy đã thống nhất nhưng đang trong thời kỳ bao cấp nên cuộc sống vật chất và tinh thần đều thiếu thốn. Lũ học sinh chúng tôi nghèo khó đã đành nhưng cuộc sống của các thầy, cô giáo cũng rất vất vả. Các thầy, cô giáo đa số xa quê nên phải ở trọ nhà tranh, vách đất, mưa dột tứ tung. Hồi đó tôi cứ nghĩ thương các thầy cô giáo xa nhà về quê mình dạy học nhưng quê mình lại quá nghèo nên cũng khổ lây. Vậy mà  thầy trò vẫn say sưa, miệt mài dạy và học, chẳng quản gì khó khăn gian khổ. Giờ nghĩ lại mà khâm phục vô cùng.

Tôi nhớ mãi thầy Trần Văn Ngụ - Hiệu trưởng, nhân từ như người cha, thầy Nhã Bí thư đoàn trường rất hóm hỉnh, thầy Trần Văn Hòa dạy toán chủ nhiệm lớp chúng tôi rất mực thương học trß. Lớp chúng tôi lao động làm gạch, nhiều bạn  gánh  nặng, thầy nói: gánh vừa thôi, sức yếu đừng gánh nhiều như vậy. Thầy Lê Đình Cự dạy văn thật tuyệt vời. Những luận điểm, luận cứ, luận chứng của thầy đã giúp ích cho chúng tôi rất nhiều trong quá trình học và mãi sau này. Nhờ được thầy dạy mà chúng tôi biết trình bày một vấn đề chặt chẽ, lôgic. Đến tận bây giờ và mãi mãi tôi luôn biết ơn thầy về điều đó. Hầu như tất cả kiến thức văn chương thầy đã truyền lại cho tôi. Tôi hiểu điều đó và ra sức phấn đấu để không phụ công lao dạy bảo của thầy. Sau khi ra trường, hàng năm tôi vẫn về thăm thầy. Nhờ công thầy bồi dưỡng cùng với sự cố gắng của mình, ba năm học cấp ba tôi đều dự thi học sinh giỏi văn của tỉnh và đều đạt danh hiệu học sinh giỏi văn của tỉnh Nghệ Tĩnh và là học sinh duy nhất của khóa tốt nghiệp đạt loại giỏi. 

Tôi nhớ cô Bình dạy môn Lịch sử rất hiền. Cô Tu dạy Pháp ngữ hễ vào đến lớp là hỏi Thuật, Mân ở đâu vì hai bạn ấy học giỏi nhất lớp môn học này. Đến giờ của cô là Thuật, Mân lại làm trực nhật vì trực nhật phải báo cáo tình hình của lớp bằng tiếng Pháp. Thầy Nguyễn Kim Nhượng dạy lý, thầy Phan Mạnh Tường dạy hóa rất dễ hiểu, thầy Phạm Văn Sinh dạy môn Sinh vật luôn cười hiền lành nhưng lớp vẫn học rất trật tự dù đa số thi khối A. Lúc bấy giờ chúng tôi học khá đều các môn, chứ không  phân biệt môn thi đại học hay không như bây giờ.

Tôi thi vào Sư phạm I Hà Nội với nguyện vọng vào khoa văn nhưng trường lại xếp vào Khoa Giáo dục chính trị. Tôi chán nản viết thư đầy bi quan gửi thầy Hồ Xuân Thường dạy Địa lý. Cả lớp tôi chỉ có 2 người thi khối C nên thầy đã trực tiếp bồi dưỡng môn Địa lý cho tôi. Thầy Thường cũng từng học ở Đại học sư phạm I Hà Nội nên biết rõ các thầy cô giáo dạy ở khoa Giáo dục chính trị. Thầy đã viết thư động viên đứa học trò cũ phải có ý chí quyết tâm học hành, không nên nản lòng vì học giỏi văn cũng rất có ích cho học Triết học. Những điều thầy nói đã làm tôi yên lòng hơn. Thầy là người tận tâm với học trò, sống vui vẻ hồn nhiên, dù cuộc sống lúc bấy giờ rất vất vả, thiếu thốn. Tôi vẫn nghĩ nếu sau này làm nhà giáo, tôi sẽ hết lòng với học sinh như thầy.

Vậy mà giờ đây, tôi đã không bao giờ được gặp lại nhiều thầy, cô giáo nữa. thầy Cự, thầy Hòa, thầy Thường, thầy Huyên đã về nơi yên nghỉ ngàn thu. Tôi đã  thắp hương kính viếng các thầy, nhưng chưa về viếng thầy Huyên được. Dù thời gian có mãi trôi đi thì những đứa học trò luôn ghi nhớ công ơn dạy dỗ của các thầy, cô giáo. Chính các thầy, cô - với lòng tâm huyết với học trò đã thắp lên trong tôi niềm tin yêu cuộc sống và nguyện sẽ sống  xứng đáng hơn với những gì mình đã nhận được.
   
Tốt nghiệp Đại học, tôi về công tác ở trường Trung cấp Tài chính  - Kế toán Nghệ Tĩnh, nay là trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Nghệ An. Theo bước chân các thầy, cô giáo, tôi đã sống hết lòng vì học trò, luôn học hỏi nhằm đáp ứng tốt hơn mong muốn của sinh viên. Ba lần dự thi giáo viên giỏi cấp tỉnh đạt 1 giải nhất, hai giải nhì, một lần đạt giải nhì giáo viên giỏi cấp quốc gia, hai lần được Bộ Giáo dục và Đào tạo mời tham gia giảng mẫu tại Hội nghị đổi mới phương pháp giảng dạy môn Chính trị do Bộ tổ chức ở Tuyên Quang và thành phố Hồ Chí Minh, được nhận nhiều danh hiệu khen thưởng ở các cấp, là tiến sỹ đầu tiên của trường. Năm 2012, tôi đã được sự  tín nhiệm của cán bộ, giáo viên, công nhân viên nhà trường đề nghị các cấp xét tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú. Cho đến nay, trường chưa có ai đạt được danh hiệu này.
   
Sau 25 năm đứng trên bục giảng, tôi vẫn tự hào vì mình đã cư xử với học trò như các thầy cô giáo ngày xưa đã tận tình với chúng tôi . Sinh viên của tôi, có em học giỏi, có em chểnh mảng, phải thi đi thi lại, có em ngồi học như nuốt lấy từng lời giảng, có em mắt để đâu đâu ngoài cửa sổ nhưng tôi đều yêu qúy các em, vì các em chính là chúng tôi hơn 30 năm về trước. Ngoan ngoãn có, nghịch ngợm cũng có. Làm vui lòng thầy cô giáo cũng có, mà gây buồn bực cũng có.  
 
Những thành quả đó đã bắt  nguồn từ mái trường này, từ các thầy, cô giáo đã giảng dạy tôi ở các bậc học. Sau này tôi học đại học, cao học , nghiên cứu sinh  vẫn gặp những thầy, cô giáo tận tâm với học trò. Nhiều người nói cơ chế thị trường đã làm phai mờ tình thầy trò. Nhưng với tôi, những gì đã được đón nhận vẫn là mãi mãi và mình phải có trách nhiệm trả mối ân tình này với các thế hệ sau. Tôi vẫn hết lòng vì học sinh một cách vô tư như các thầy, cô giáo của tôi đã sống. Ngày tôi bảo vệ luận án tiến sỹ tại Hà Nội, một đoàn học trò cũ đã từ Hà Tĩnh, Nghệ An  ra dự lễ bảo vệ . Đó là phần thưởng quý giá, là nguồn động viên rất lớn đối với tôi.         

Rời xa mái trường thân yêu đã 33 năm, chúng tôi mong ngày trở lại để được chia vui cùng các thầy, cô giáo và các em học sinh hiện đang giảng dạy và học tập ở trường, được gặp lại thầy cũ, bạn  xưa, được tri ân mái trường mà mình đã trưởng thành từ đó. Từ Nam ra Bắc, chúng tôi đã hẹn nhau ngày hội trường cùng về chung vui. Chuyên ở Vũng Tàu, Hội ở Sài Gòn, Ninh ở Quảng Ninh, Chương, Hồng, ở Hà Nội, Lê Hòa, Thanh ở thành phố Hà Tĩnh. Thảo, Thịnh, Trần Hòa, Liễu, Hường, Song Hương chung thủy với  Hương Khê. Tôi và Lâm, Vận, Thanh Hương ở Vinh. Và còn bao bạn ở những miền quê khác…Các bạn lớp tôi giờ phần lớn đã thành đạt cả về sự nghiệp và cuộc sống gia đình, đã là kỹ sư, bác sỹ, chuyên gia kinh tế, giảng viên, doanh nhân, cán bộ Đảng, chính quyền. Tất cả đều trưởng thành từ mái trường này.
     
Giờ đây mỗi lần có dịp đi qua, thấy mái trường đã khang trang, sạch, đẹp nằm bên đường Hồ Chí Minh, thấy các em học sinh ríu rít tan trường, tôi vừa vui mừng vừa man mác buồn mong tìm lại những dáng hình xưa. Lại văng vẳng câu hát quen thuộc “Thầy đó trường đây bạn cũ đâu rồi”. Mừng vui vì các em bây giờ năng động hơn, hiểu biết hơn và học giỏi hơn chúng tôi ngày xưa. Có lẽ các em không hề nghĩ rằng, chính mình sẽ làm rạng danh mái trường trong hiện tại và tương lai, để một ngày không xa, lại trở về  thăm trường như chúng tôi bây giờ. Tự hào hơn nữa vì tôi biết, cuộc sống của nhà giáo ở vùng thôn quê còn nhiều khó khăn nhưng tiếp bước các thế hệ đi trước, các thầy, cô giáo của trường bây giờ đã vượt qua tất cả để giữ gìn lương tâm nhà giáo luôn trong sáng.
     
Vụ Quang ngày ấy, Hàm Nghi bây giờ sẽ mãi mãi trong mỗi chúng tôi - những học trò cũ của trường và chúng tôi luôn tự hào đã trưởng thành từ mái trường ấy.

Nguồn:thpt-hamnghi-hatinh.edu.vn Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thông báo
Thời tiết
Thời tiết Hà Nội